“Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét. Bạn còn biết tiếng chân đó là của ai, bố hay mẹ. Bạn sẽ giả vờ hỏi:
- Ai đó? Có phải là người khách lạ không?
- Không, tôi là khách quen! – Người đó trả lời…..”.
Đó là lời cậu bé Dũng – nhân vật chính của câu chuyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” - nói với chúng ta khi lần đầu tiên mở cửa sổ lắng nghe khu vườn sau nhà giữa niềm ngỡ ngàng khôn xiết.
Bạn đọc thân mến, “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” là bức tranh đồng quê dung dị, trong trẻo, sống động, đầy chất thơ, lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Tác giả Nguyễn Ngọc Thuần đã mang lại cho tuổi thơ một món quà quý báu, và cho cả những người đã bước qua tuổi thơ một khoảng vườn suy ngẫm: Hãy nhắm mắt và mở lòng - mở cánh cửa của chính mình - hãy nhìn cuộc sống bằng tất cả các giác quan để nhớ, để thương, để yêu và để thấu hiểu.
“ Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là truyện dài của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, được in lần đầu năm 2002 bởi Nhà xuất bản Trẻ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ mang đến những cảm xúc dạt dào bằng cách hành văn trong trẻo, mà còn vẽ nên chất họa thấm đẫm qua từng trang văn. Ngay từ lần đầu phát hành, cuốn sách đã trở thành một “hiện tượng văn học” khiến văn đàn phải xôn xao, công chúng chú ý và nhận được rất nhiều lời khen ngợi, đưa tác giả Nguyễn Ngọc Thuần - từ một họa sĩ trở thành một nhà văn đầy triển vọng trên lĩnh vực văn xuôi đương đại.
Cuốn sách “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” đã giành được các giải thưởng:
- Giải A - Cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi năm 2002 do Nhà Xuất bản Trẻ & Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
- Giải thưởng Peter Pan của Uỷ ban quốc tế về sách dành cho thanh thiếu nhi tại Thụy Điển năm 2008.
- Giải thưởng Sách hay 2011 (do trang Sachhay.com & pace bình chọn)
- Là cuốn sách bán chạy hơn 50.000 bản, được tái bản nhiều lần.
- Đặc biệt hơn, một trích đoạn của cuốn sách đã được chọn làm ngữ liệu giảng dạy môn Ngữ văn lớp 6 của bộ SGK Chân trời sáng tạo, môn Ngữ văn lớp 7 của bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống.
Nhận xét về tác phẩm, nhà văn Hồ Anh Thái đã viết: “Đọc xong ngẩn ngơ lâu lâu. Văn phong đẹp, trong vắt. Người đọc soi vào đấy, thấy cả những ao ước tuổi thơ mình”. Có người lại nói, nếu như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho chúng ta chiếc vé, thì “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” cho chúng ta một con tàu thời gian để du hành ngược về tuổi thơ. Tác phẩm không chỉ giúp tâm hồn trẻ con trở nên trong sáng hơn mà còn giúp người lớn được một lần lội ngược về miền ký ức đẹp đẽ.
Bạn đọc thân mến, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” có thể coi là những trang nhật kí hồn nhiên gồm 19 chương, ghi lại tuổi thơ của cậu bé mười tuổi tuổi tên Dũng, nhưng lại có thật nhiều tâm tư và suy nghĩ như một “ông cụ non”. Trong mỗi trang nhật ký, cậu bé ghi lại những mảnh ký ức ngây ngô về gia đình, hàng xóm và những triết lý mà cậu tự đúc rút khiến cho người lớn chúng ta cũng phải ngỡ ngàng.
Một trong số đó là hãy biết trân trọng những gì mình đang có, yêu những điều chưa hoàn hảo, biết cách trân trọng từng phút giây hiện tại và yêu thương sự hiện diện của chính bản thân trên cõi đời này.
Trong chương 3 “Thương nhớ ngón tay”, Dũng biết tự hào với sự đầy đủ trên cơ thể mình: “Lần đầu tiên tôi thấy một niềm vui từ thân thể của mình, và tôi cũng hiểu nỗi buồn của những người không còn đầy đủ thân thể.”.
Với chiếc răng khểnh và 10 ngón tay, Dũng nhắc nhở ta phải tự tin và yêu bản thân, đừng vì những khiếm khuyết nhỏ nhặt mà tự ti, buồn bã, bởi mỗi người sinh ra đều là một điều kỳ diệu của tạo hóa, là độc nhất vô nhị. Vậy nên, dù có bất cứ điều gì xảy ra, hãy luôn trân trọng những gì mình đang có; hãy sống chậm lại và yêu thương mọi người xung quanh nhiều hơn, quý vị nhé!
Qua những trang sách, Dũng còn dạy chúng ta biết cách quan tâm, sẻ chia yêu thương đến mọi người. Và chính từ tình bạn với cái Tí, từ tình yêu giữa chú Hùng với chị Hồng, từ tình làng nghĩa xóm, tình cảm dành cho ông cháu ăn xin… chúng ta học được một bài học quý giá về tình yêu thương. Trong câu chuyện “Ngày bí mật”, cô Hồng sinh em bé thiếu tháng, em bé mà Dũng đã xin đặt tên là Thương, để ai cũng thương em bé hết. Giờ thì, em bé đã không còn, cô Hồng chú Hùng như chết lặng. Nỗi buồn tràn ngập khắp mọi nơi.
“Tôi sang thăm cô Hồng. Cô ngồi đan nón, mắt buồn so. Cô buồn vì không được làm mẹ. Chú Hùng cũng đã bỏ dở việc ruộng rẫy, ở nhà quanh quẩn. Chú đi ra đi vào bứt rứt vì không được làm bố. Nhìn cô đan len, tôi chợt thấy cô thật giống mẹ tôi, dịu dàng từng đôi tay một. Bàn tay đó khi ẵm đứa bé thì vững vàng, khi làm lụng thì khéo léo. Bàn tay của người đàn ông sẽ không được như vậy…”
Bằng tất cả tình cảm và tấm lòng hồn hậu, Dũng đã an ủi, san sẻ nỗi buồn với cô Hồng theo cách rất riêng của mình: “Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn lên đồi cuốc một mảnh vườn và thỉnh thoảng hỏi chúng ta ăn bắp rang không…”
Chỉ giản đơn vậy thôi, biết mở lòng quan tâm, chia sẻ và thương yêu những người xung quanh ta, bởi đem lại niềm hạnh phúc cho người khác cũng là đem lại niềm vui cho chính mình. Nhưng đâu phải ai cũng hiểu và làm được điều đó?
Khép lại cuốn sách, cậu bé Dũng thủ thỉ với chúng ta những điều thật trong trẻo: “Hằng đêm, tôi vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vừa “nhìn” ra khu vườn tưởng tượng. Tôi biết mình sẽ không bao giờ quên được, vì tôi vẫn còn nhớ lắm.
Tôi nhớ tất cả những gì đã bay qua bầu trời của tôi …
Hằng đêm, tôi vẫn tưởng tượng triền miên khi nhìn những ngôi sao. Người ta nói khi một người mất đi, ngôi sao của người ấy sẽ tắt. Tôi hú vía vì vẫn thấy ngôi sao của bạn tôi trên bầu trời, càng lúc càng rực rỡ chạm dần đến ngôi sao của tôi. Và tôi vẫn không ngừng tưởng tượng đến một lúc nào đó, bầu trời sẽ như một tấm thảm sáng kết liền lại. Vì đơn giản thôi, trên trái đất này, trẻ con vẫn không ngừng được sinh ra và lớn lên. Chúng là những ngôi sao trên tấm thảm kia, điều bí mật mà tôi không thể nào nói hết.”
Với những bạn nhỏ, các em hãy đọc tác phẩm này để biết cách yêu thương, quan tâm hơn đến mọi người xung quanh, biết nhắm đôi mắt để mở rộng tấm lòng nhìn thế giới xung quanh bằng tất cả giác quan … Còn với thầy cô thân mến, những người trưởng thành, thầy cô cũng có thể đắm chìm trong tác phẩm này để hồi tưởng lại tuổi thơ của mình, thanh lọc tâm hồn, để những phiền muộn hàng ngày trôi đi thật mau. Thầy cô và và các bạn nhỏ hãy tìm đến thư viện trường để cùng đọc và trải nghiệm nhé!