TÁC DỤNG CỦA ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ
Trong thời đại của chúng ta sự bùng nổ công nghệ thông tin đã tác động đến công cuộc phát triển kinh tế xã hội loài người. Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công nghệ thông tin, truyền thông cũng như yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập, hướng tới nền kinh tế tri thức.
Ngày nay khi công nghệ thông tin càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực là một điều tất yếu, trong đó có lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Trong giáo dục đào tạo công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong những năm gần đây và các trường đã đưa tin học vào giảng dạy, học tập.
Hiện nay Bộ giáo dục và Đào tạo yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Xem công nghệ thông tin như là một công cụ hỗ trợ đắc lực nhất cho đổi mới phương pháp dạy học ở các môn học.
Nhưng làm thế nào để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết dạy đạt hiệu quả cao nhất ? Đó là một vấn đề mà không phải người giáo viên nào cũng giải quyết một cách hoàn hảo.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo thì tất cả giáo viên điều phải biết sử dụng máy vi tính và ít nhất phải có chứng chỉ A tin học. Tuy vậy có chứng chỉ A tin học, sử dụng thành thạo máy vi tính nhưng khi áp dụng soạn giáo án điện tử lại là một điều không đơn giản.
Phần lớn các giáo viên ngại sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy vì cho rằng sẽ tốn thời gian để chuẩn bị bài giảng. Để tạo được những hình ảnh đẹp, sống động trên các Slide đòi hỏi phải mất nhiều thời gian chuẩn bị và đây chính là điều mà giáo viên rất ái ngại.
Khi sử dụng giáo án điện tử giáo viên phải vất vả gấp nhiều lần so với cách dạy truyền thống với phấn trắng bảng đen, đó là giáo viên phải mất thời gian tìm hình ảnh minh họa, âm thanh, tư liệu dẫn chứng phù hợp với nội dung bài giảng... khi sử dụng giáo án điện tử ngoài những kiến thức cơ bản về vi tính, sử dụng thành thạo phần mềm PowerPoint giáo viên cần phải có tính sáng tạo, tính thẩm mỹ và sự nhạy bén để tìm kiếm tư liệu phục vụ cho bài dạy và nhất là phải có niềm đam mê, vì khi có lòng đam mê thì chúng ta mới thực hiện được những việc được coi là vất vả như nêu ở trên.
Để thiết kế được một giáo án điện tử phục vụ cho tiết dạy, người giáo viên cần có những kiến thức cơ bản như:
- Biết sử dụng máy vi tính;
- Biết sử dụng phần mềm PowerPoint;
- Biết truy cập Internet;
- Biết cách sử dụng máy chiếu (Projector).
Sở dĩ phải có những kiến thức cơ bản như trên bởi vì:
Thứ nhất: Có biết cách sử dụng máy vi tính thì chúng ta mới có thể mở máy, tắt máy, chọn những chương trình làm việc thích hợp với nhu cầu của mình. Biết cách sao chép, lưu trữ, tìm kiếm tài liệu ...
Thứ hai: Để tạo được một giáo án điện tử nhất thiết phải biết cách sử dụng phần mềm trình diễn PowerPoint (trong bản sáng kiến này tôi đề cập đến phần mềm PowerPoint). Đây là phần mềm có sẵn trong bộ MS Office, dùng để tạo các Slide trình diễn đa dạng trên máy tính. Nếu chỉ dừng ở mức gõ những nội dung cần thiết cộng thêm những định dạng về Font chữ, màu sắc thì có lẽ giáo viên nào cũng làm được. Nhưng nếu chỉ đơn giản thế thì chúng ta chưa thấy được hết tính năng của phần mềm này, do đó chúng ta phải biết cách sử dụng và sử dụng thành thạo thì mới phát huy được tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Từ những dòng chữ khô khan, từ những hình ảnh đơn giản được đưa vào bài giảng người giáo viên phải biết cách làm cho nó sinh động, thu hút học sinh bằng các hiệu ứng hoạt hình của phần mềm, bằng những kiểu bay, xoay, hướng di chuyển của đối tượng, tính năng liên kết các Slide... kết hợp với các kiểu âm thanh thật thú vị.
Thứ ba: Khi sử dụng giáo án điện tử, bài dạy của chúng ta sinh động hơn so với cách dạy thông thường. Ngoài ra chúng ta còn có thể làm cho bài dạy của mình ngoài việc sinh động còn phải phong phú. Hiện tại trên Internet có rất nhiều hình ảnh có thể phục vụ cho bài giảng của chúng ta. Chính vì vậy chúng ta cần phải biết cách truy cập vào Internet tìm kiếm những thông tin, hình ảnh phù hợp với nội dung bài học, làm cho tiết dạy sinh động và phong phú hơn. Chẳng hạn khi dạy các môn học như: Lịch sử - Địa lí, bài giảng thường đi kèm với nhiều hình ảnh minh họa (lược đồ, mô tả một trận chiến, các căn cứ địa cách mạng, diện tích lãnh thổ, ...).
Lúc này Internet sẽ là một người bạn hỗ trợ đắc lực cho chúng ta, hay chúng ta có thể tìm những đoạn phim tư liệu có liên quan để minh họa cho bài dạy, sẽ làm tăng thêm tính thuyết phục, tính chất thực của các sự kiện.
Ví dụ: Khi dạy bài : "Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập" môn lịch sử lớp 5. Chúng ta sẽ tìm và Downloads (trên Internet) các đoạn Video-clip về các trận đánh quan trọng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai cho học sinh theo dõi, từ những hình ảnh thật về sự tàn khốc và sự chiến đấu hi sinh ảnh dũng của Hồng quân Liên xô trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai sẽ làm cho học sinh có cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình và căm ghét chiến tranh
Nếu chỉ trình bày suông, thiết nghĩ cũng chẳng có vấn đề gì cả, nhưng tại sao khi chúng ta đã chấp nhận làm GAĐT chúng ta lại không làm bài tập phong phú hơn? Hiện tại những hình ảnh minh họa cho các nội dung nói trên tương đối nhiều trên Internet. Chỉ cần bỏ chút thời gian mà có được những nội dunh, hình ảnh cần minh học cho bài giảng thì người thầy nào cũng sẵn lòng cả. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giáo viên cần biết cách thức truy cập Internet để lấy thông tin.Tuy nhiên, không phải hình ảnh nào chúng ta lấy từ Internet đều thỏa mãn ý muốn của chúng ta. Chẳng hạn, khi dạy bài …., chúng ta cần lấy các đoạn phim tư liệu những nó lại quá dài. Vậy chúng ta phải làm gì? Điều này đòi hỏi giáo viên cần biết một ít kỹ thuật để xử lý màu sắc , cắt xén ảnh , các đoạn phim, đoạn nhạc một cách hợp lý . Có như thế bài giảng sẽ sinh động hẳn , các em lại nhớ được các từ vựng và phát âm chuẩn hơn . Có thể đây là thao tác tương đôí phức tạp nhưng nó mang lại tính hiệu quả cao trong công tác giảng dạy .
Bài giảng sau khi thiết kế sẽ được trình chiếu lên màn hình thông qua máy chiếu. Nghĩa là dù muốn hay không giáo viên buộc phải biết cách sử dụng nó. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên, chỉ cần một vài thao tác lắp máy chiếu với CPU của máy tính và điều chỉnh độ lớn, độ nét trên màn hình giáo viên chắc hẳn sẽ có một bài giảng chất lượng, học trò sẽ có không khí học thoải mái hơn.
Nhờ các GAĐT mà các giáo viên đã tạo ra một không khí khác hẳn so với giờ dạy truyền thống. Học sinh buộc phải tập trung nghe giảng và tư duy nhiều hơn trong các giờ học. Tuy nhiên, tối thiểu người dạy phải có một kiến thức nhất định chẳng hạn như sử dụng được phần mềm trình diễn PowerPoint để trình bày bài giảng và cần phải có quan niệm các phương tiện kỹ thuật được đề cập trên là các phương tiện hỗ trợ cho việc giảng dạy chứ không thể thay thế vai trò chủ đạo của người thầy trong giờ lên lớp.
Như vậy có thể thấy rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nói chung và đối với bộ môn lịch sử nói riêng mang lại rất nhiều lợi ích:
Lợi ích đối với giáo viên:
- Giúp giáo viên tương tác tốt với công nghệ thông tin và truyền thông khi giảng bài trên lớp
- Khuyến khích sáng tạo và linh hoạt, giáo viên có thể vẽ và giải thích rõ ràng những thông tin đưa ra
- Giáo viên có thể lưu và in ra những gì đã trình bày, bao gồm cả những lưu ký đã được đưa thêm trong quá trình giảng bài, hạn chế phải nhắc lại, ôn lại nhiều lần
- Giáo viên có thể chia sẻ và sử dụng những tài liệu đã dạy...giúp giảm thiểu đáng kể khối lượng công việc
- Tạo hứng thú cho giáo viên thay đổi phương pháp sư phạm và sử dụng công nghệ thông tin nhiều hơn, khuyến khích nâng cao chuyên môn
Lợi ích đối với người học:
- Nâng cao hứng thú và động lực học tập
- Tạo cơ hội tốt hơn để học sinh tham gia và hợp tác cùng nhau, phát triển kỹ năng xã hội và con người
- Không phải mất thời gian chép bài nhờ chức năng lưu và in ra tất cả những gì đã hiển thị trước đó
- Học sinh cũng có thể xử lý và nắm bắt được nhiều thông tin thông qua bài giảng rõ ràng, hiệu quả và linh hoạt
- Giúp học sinh trở nên sáng tạo và tự tin hơn khi thuyết trình trước lớp
- Học sinh có thể tiếp cận với công nghệ mà không cần sử dụng bàn phím. Điều này giúp những em nhỏ chưa biết sử dụng máy tính có thể tự tin khi sử dụng công nghệ thông tin .
Đổi mới phương pháp dạy học nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những mục tiêu quan trọng hiện nay của ngành giáo dục. Việc ứng dụng CNTT nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học là một công việc lâu dài, khó khăn đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, năng lực của đội ngũ giáo viên. Nhưng thiết nghĩ rằng, với khả năng sư phạm vốn có cộng thêm một ít bồi dưỡng về kiến thức tin học, các GV hoàn toàn có thể thiết kế được bài giảng điện tử để thể hiện tốt hơn phương pháp sư phạm, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy.