Tiết trời tháng Chạp như chiều lòng người, những cơn mưa phùn, rét buốt đã nhường chỗ cho cái nắng ấm cuối đông, đầu xuân. Đây là lúc mỗi người
chúng ta nao lòng chờ đón Tết cổ truyền. Bận rộn với việc học tập bắt đầu của học kì mới nhưng thầy trò trường THCS Hạ Đình vẫn tích cực với những
hoạt động chuẩn bị lễ hội bánh chưng xuân Kỷ Hợi 2019.
Từ bao đời nay, mỗi dịp năm hết Tết đến, người người nhà nhà lại hào hứng chuẩn bị làm bánh chưng đón Tết. Hình ảnh cả gia đình quây quần gói bánh,
canh nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng đã trở nên quá đỗi thân thương, gần gũi đối với mỗi người con đất Việt, là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Với
mong muốn thắp lên niềm tự hào dân tộc, tấm lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, đặc biệt để giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc; trường THCS
Hạ Đình đã tổ chức một buổi trải nghiệm làm bánh chưng bổ ích và lí thú cho các con học sinh.
Trước khi chính thức diễn ra lễ hội bánh chưng, các con học sinh đã được hướng dẫn làm bánh, gấp lá, bằng khuôn chính vì vậy, khi được tự tay làm những chiếc bánh của riêng mình, bàn tay bé nhỏ, trắng xinh của các em nâng niu từng chiếc lá, nhẹ nhàng bỏ từng phần nếp, đậu, thịt,… vào khuôn đã có phần thuần thục, tự tin hơn.
Có lẽ qua việc trải nghiệm gói bánh chưng ngày tết này, các con đã phần nào hiểu được chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết về tấm lòng thơm thảo của chàng Lang Liêu năm xưa làm bánh dâng lễ Tiên vương. Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi của những người nông dân cần lao. Bên ngoài là chiếc lá dong xanh gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn thường ngày như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn… tạo thành chiếc bánh chưng xanh vuông vắn tượng trưng cho đất sánh đôi cùng với bánh dầy tròn trắng ngần tượng trưng cho trời là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Gạo, thịt, đỗ được bao bọc bởi lớp lớp lá dong xanh cùng lạt mềm buộc chặt còn mang ý nghĩa về tình gắn kết keo sơn, tinh thần tương thân tương ái của cha ông từ ngàn đời truyền lại. Từ đó các con học sinh sẽ biết quý trọng từng hạt nếp, hạt đậu thấm bao giọt mồ hôi của người lao động tạo nên nó, quý trọng hơn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Không khí mùa xuân trở nên rộn ràng hơn nhờ các tiết mục văn nghệ đặc sắc và vô cùng ấn tượng do học sinh nhà trường biểu diễn. Mở đầu chương trình là khúc ca “Ngày tết quê em”. Tiết mục “Hà Nội mười hai mùa hoa” của các con học sinh lớp 8 đã để lại những ấn tượng sâu sắc với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng… Những lời ca tiếng hát của các con chính là lời chúc tốt đẹp nhất tới cha mẹ, thầy cô trong ngay đầu năm mới.
Lễ hội bánh chưng đã kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều thông điệp mang ý nghĩa nhân văn trao gửi và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh. Thông qua những trải nghiệm thú vị, bổ ích và ý nghĩa, lễ hội đã góp phần kết nối tình yêu thương, giáo dục các em biết trân trọng, giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn của dân tộc và trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống. Đây là hoạt động ý nghĩa của nhà trường dành cho các em học sinh để các con học sinh được tham gia vui chơi, trải nghiệm những bài học bổ ích về kĩ năng sống và biết trân quý nét đẹp truyền thống của dân tộc mỗi dịp tết đến, xuân về.
Một số hình ảnh được ghi lại trong buổi lễ:
Sản phẩm mâm bánh của các con học sinh
Mâm bánh được bày trí công phu của cô và trò lớp 7A1
Cô và trò bên mâm bánh của lớp mình
Cùng nhau trông nồi bánh chưng
Chúng em vui mùa xuân mới thêm tuổi mới