THƯƠNG HUẾ - NGỌC LÂM
08-09-2019 00:26
Kinhtedothi - Tối 7/9, trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường của Bộ, sau vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) áp theo tiêu chuẩn WHO với thông tin vượt ngưỡng từ 10 - 30 lần đã không còn.
Cụ thể, trước đó, Bộ TN&MT thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có nêu rõ: Nếu so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, Mỹ và Canada thì trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp thụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).
Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên công ty phía trước khu cháy (trạm ôxy) và trong nhà kho bị cháy có giá trị Hg trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR (Mỹ) từ 10 đến 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người).
Tối 7/9, những thông tin này hiện đã không còn trên bản tin ở mục thông báo của cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT, mà chỉ còn thông tin liên quan đến đối chiếu quy chuẩn Việt Nam và khuyến cáo tham khảo tiêu chuẩn WHO.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong bản tin Chào buổi sáng của VTV1 vào 6h06 phút sáng 7/9, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - TS. Kidong Park cho rằng, với mức độ thủy ngân trong các mẫu môi trường được thu thập từ vụ cháy của công ty Rạng Đông, hiện không thể so sánh trực tiếp với các tiêu chuẩn của WHO - tiêu chuẩn an toàn về không khí của WHO chỉ đưa ra mức độ trung bình năm, trong khi con số mà Bộ TN&MT đưa ra lại đang xét đến là ở 1 thời điểm nhất định; mức tiêu chuẩn an toàn về nước của WHO là đối với nước uống, còn mức độ ô nhiễm thủy ngân trong nguồn nước hiện tại lại không phải là nước uống.
“Xét trên khía cạnh khoa học trong quá trình WHO phát triển các tiêu chuẩn về an toàn và căn cứ trên những thông số quan trắc của Bộ TN&MT hiện đều trong ngưỡng an toàn nên các bạn không cần phải quá lo lắng về tác động của thủy ngân đối với sức khỏe con người” - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Cũng theo nguồn tin từ đại diện WHO tại Việt Nam, hướng dẫn của WHO về vấn đề ô nhiễm không khí do khí độc, bao gồm cả thủy ngân, đã được văn phòng WHO tại châu Âu thực hiện từ năm 2000.
Theo hướng dẫn này, mức ảnh hưởng bất lợi thấp nhất quan sát được (LOAEL) của thủy ngân trong không khí, tức mức thấp nhất mà thủy ngân có thể gây ra những khác biệt đáng kể về mặt sinh học là từ 15 - 30 microgram/m3 trong 1 năm. WHO cũng đã tiếp tục xem xét đến một loạt những yếu tố có thể ảnh hưởng ở nhóm người có nguy cơ cao và nhận định mức 1 microgram/m3 trong 1 năm là mức ô nhiễm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, mức này chưa tính đến cho nhóm những người trong cơ thể thiếu loại enzym có thể bảo vệ tế bào trước các tổn thương từ thuỷ ngân. Một nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Sĩ và Thụy Điển cho thấy tỉ lệ của nhóm người này là khoảng 30 - 40 người/1 triệu dân thiếu loại enzym này.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mức giới hạn trần của nồng độ thủy ngân trong nước uống nên ở mức 1 microgram/l. Ngoài ra, WHO hiện chưa có mức tiêu chuẩn đối với nồng độ thủy ngân nhiễm trong đất.