Dưới ánh trăng sáng ngời, không gian rộn ràng bởi những bài ca về chú Cuội, chị Hằng và cả tiếng trống tùng rinh rinh của đội múa lân sôi động đầy hứng khởi. Tết Trung thu chỉ vẻn vẹn một đêm rằm tháng tám - đêm trăng sáng nhất của năm nhưng sự háo hức chờ đợi trên đôi mắt trong veo của trẻ thơ có lẽ đã đầy ăm ắp từ vài tuần lễ trước đó.
Để giúp các bạn nhỏ tìm hiểu, khám phá về những câu chuyện thú vị xoay quanh ngày Tết đặc biệt này, thư viện xin thân mến giới thiệu tới các con một ấn phẩm tuyệt đẹp mang tên “Kể chuyện tết Trung thu “ của nhà xuất bản Kim Đồng, được được tác giả Phương Thúy chấp bút từ những nguồn tài liệu quý giá và tin cậy như Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính), Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm (Trần Quốc Vượng)… Cuốn sách được minh họa bằng những nét vẽ vừa truyền thống vừa hiện đại của họa sĩ tài hoa Kim Duẩn tạo nên những bức tranh panorama khổ lớn, tái hiện khung cảnh rực rỡ của mùa trăng rằm Trung thu một cách dễ thương, ấn tượng, thu hút ngay từ những trang đầu tiên. Dung lượng cuốn sách với 40 trang sách xinh xắn kết hợp hài hòa giữa sắc màu tươi vui và những thông tin phong phú, xoay quanh chủ đề Trung thu chắc chắn sẽ giúp các con học sinh khám phá thêm nhiều kiến thức thú vị từ sự tích ra đời Tết Trung thu đến tục lệ bày mâm cỗ trông trăng, các loại bánh đặc trưng, đồ chơi Trung thu và các hoạt động thật vui trong ngày này.
Lật mở từng trang sách, các con sẽ biết mỗi lễ vật được cúng trong Tết Trung thu đều mang một ý nghĩa riêng biệt và sẽ hiểu vì sao ông bà, cha mẹ chúng mình đều muốn cho con cháu “phá cỗ” thật vui vẻ, ăn uống thật thỏa thích, chính là để mong con cháu mình sẽ “hay ăn chóng lớn”.
Và còn rất rất nhiều thông tin hay giải đáp các câu hỏi như:
Vì sao người ta phải bày lễ cúng trăng? Mâm cỗ Trung thu cần có những gì?
Để có một chiếc bánh Trung thu cần những nguyên liệu gì và làm như thế nào?
Đèn Trung thu có bao nhiêu loại? Ý nghĩa của những chiếc đèn Trung Thu
Chị Hằng và chú Cuội là ai?
Lễ rước đèn ông sao ngày xửa ngày xưa diễn ra như thế nào?
Trung thu xưa và nay có gì giống và khác nhau?...
Xin mời các con cùng lắng nghe phần đọc sách từ nguồn dẫn của Thư viện tỉnh Đồng Nai để tìm ra câu trả lời nhé! Cô tin rằng, những thông tin vô cùng bổ ích trong cuốn “Kể chuyện Tết thiếu nhi” sẽ giúp các con càng thêm thấu hiểu và yêu quý truyền thống của dân tộc, thêm trân trọng những khoảnh khắc đong đầy yêu thương bên gia đình.
Chúc các con một mùa Trung Thu ý nghĩa tràn đầy tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc! Hẹn gặp lại các con vào chuyên mục giới thiệu sách lần sau nhé!
Giải đáp câu hỏi: Vào dịp Rằm tháng Tám, từ thời xa xưa, đã có tục lệ làm đèn lồng, đèn con thỏ, đèn con cóc, đèn cá chép… Những vật phẩm này đều làm bằng giấy màu, có cốt nan tre và mang một ý nghĩa riêng: Đèn con thỏ chính là biểu thị của Thỏ Ngọc, vị thần đã tạo nên viên thuốc trường sinh cho Hằng Nga; Đèn con cóc (đèn Thiềm Thừ) biểu thị cho sự cầu mong mưa thuận, gió hòa của cư dân trồng lúa nước; Đèn cá chép là bắt nguồn từ sự tích cá chép hóa rồng, với ý nghĩa cầu mong cho con cháu học hành giỏi giang, tấn tới.