UBND QUẬN THANH XUÂN
TRƯỜNG THCS HẠ ĐÌNH
Số:10/KH-THCSHĐ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hạ Đình, ngày 01 tháng 9 năm2010
|
KẾ HOẠCH
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS HẠ ĐÌNH
GIAI ĐOẠN 2010 – 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
Trường THCS Hạ Đình thành lập ngày 25 tháng 5 năm 2009, năm học đầu tiên học nhờ tại trường tiểu học Hạ Đình và chuyển về cơ sở mới ngày 30 tháng 5 năm 2010, trường có vị trí tại ngõ 460 đường Khương Đình, phường Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
I. TÌNH HÌNH NHÀ TRƯỜNG
1. Điểm mạnh
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, độ tuổi trẻ, cầu tiến, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đảm bảo số lượng và đạt chuẩn đào tạo.
Quy mô phát triển của trường với quy mô 14 lớp.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị được đầu tư theo hướng đồng bộ, theo hướng chuẩn và hiện đại đáp ứng tốt cho yêu cầu giáo dục.
2. Điểm hạn chế
Trường mới thành lập nên chưa có thương hiệu.
3. Thời cơ.
Đợc Quận Uỷ, UBND quận quan tâm định hướng phát triển thành trường chuẩn quốc gia vào giai đoạn 2015 - 2020 ( Nghị quyết BCH Đảng bộ Quận Thanh Xuân ).
Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên trẻ, năng động, nhiệt tình và cầu tiến.
Xu thế phát triển và nhu cầu giáo dục chất lượng ngày càng cao.
4. Thách thức
Vị trí địa lý của trường ảnh hưởng đến việc tăng số lượng và chất lượng học sinh đầu vào.
Nhà trường cần phải được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc dạy học.
Sự đòi hỏi cao về chất lượng giáo dục của cha mẹ học sinh và xã hội trong thời kì đổi mới và hội nhập.
Nâng cao nhận thức trách nhiệm của cha mẹ học sinh đối với việc học tập, rèn luyện của học sinh.
Bồi dưỡng cho học sinh thái độ, động cơ học tập đúng đắn, khả năng tự học và khả năng ứng phó trước các tệ nạn xã hội và vấn nạn học đường.
Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, năng lực chủ động, sáng tạo của cán bộ giáo viên, nhân viên.
5. Xác định các vấn đề ưu tiên.
Hoàn thiện về cơ sở vật chất đảm bảo quy chuẩn theo hướng hiện đại, hội nhập.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Tăng học sinh cả về số lượng và chất lượng đầu vào, không có học sinh bỏ học.
II. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC
1. Sứ mệnh.
Tạo dựng được môi trường học tập thân thiện, kỷ cương, chất lượng cao để học sinh phát triển toàn diện, có kỹ năng sống và khả năng tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động.
2. Hệ thống giá trị cơ bản của nhà trường.
- Tình đoàn kết, hợp tác
- Tinh thần trách nhiệm
- Nề nếp, kỷ cương
- Tính trung thực
|
- Lòng nhân ái, thân thiện
- Tính cầu thị, tự trọng
- Tính chủ động, sáng tạo
- Khát vọng vươn lên
|
3. Tầm nhìn
Là một trong những trường chuẩn, chất lượng cao được cha mẹ học sinh và học sinh tin cậy và lựa chọn để học tập và rèn luyện; Nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn lên vượt qua chính mình.
III. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
- Các mục tiêu tổng quát
Xây dựng nhà trường trở thành một cơ sở giáo dục có vị thế và uy tín về chất lượng giáo dục và đào tạo của thủ đô Hà Nội, là một mô hình phát triển trong đó mọi học sinh được tôn trọng, đợc hợp tác, giao lưu, được phát triển các năng lực cá nhân, có xu hướng hợp tác và giao lưu quốc tế trong thế giới hội nhập phù hợp với sự phát triển của đất nước.
- Các giai đoạn xây dựng và phát triển nhà trường:
1.1. Giai đoạn xây dựng ( 2010 - 2012)
Trường THCS Hạ Đình hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, hoàn thiện cơ cấu đội ngũ, xây dựng nề nếp và chất lượng giáo dục và đợc biết đến là trường THCS năng động, vượt khó và quyết tâm phát triển.
1.2. Giai đoạn ổn định và xây dựng thương hiệu ( 2012 - 2015)
Trường THCS Hạ Đình hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục và được biết đến là trường THCS năng động, có tầm nhìn và quyết tâm phát triển cao góp phần xây dựng thương hiệu nhà trường.
1.3. Giai đoạn củng cố và xây dựng trường chuẩn quốc gia ( 2015 - 2018)
Trường THCS Hạ Đình đợc xếp hạng là trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1, khẳng định thương hiệu là trường THCS đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của quận.
1.4. Giai đoạn phát triển:( 2018 - 2020)
Trường THCS Hạ Đình là một trong những trường THCS chất lượng của toàn quận Thanh Xuân, phát triển thương hiệu nhà trường về mọi mặt theo hướng hiện đại và hội nhập.
1.5. Giai đoạn đổi mới phát triển thương hiệu ( Từ 2020 trở đi)
2. Các mục tiêu cụ thể:
Đào tạo, giáo dục học sinh nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản của tất cả các môn học phổ thông; Biết cách tự suy luận, tìm tòi, phát hiện và giải quyết các vấn đề một cách độc lập, sáng tạo; Biết cách học và tự học; Có ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, thật thà, trung thực, thân thiện, biết hòa nhập và làm chủ được bản thân, biết hợp tác và thích ứng hội nhập; Có phong cách và lối sống đẹp phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
3. Phương châm hành động
“ VỮNG VÀNG - VƯỢT KHÓ – SÁNG TẠO - VƯƠN LÊN”
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC.
1. Các giải pháp chủ đạo
Thống nhất nhận thức và hành động của tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn trường theo các nội dung của Kế hoạch chiến lược. Xây dựng khối đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể hội đồng sư phạm để quyết tâm thực hiện được các mục tiêu của Kế hoạch chiến lược.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong Nhà trường hướng tới các giá trị cốt lõi đã nêu.
Tranh thủ sự đồng thuận và tăng cường sự gắn kết có hiệu quả giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan, đoàn thể doanh nghiệp, nhà tài trợ và cộng đồng.
2. Các giải pháp cụ thể
2.1. Xây dựng quy chế và nề nếp hoạt động:
Xây dựng cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm về các mặt hoạt động trong trường, tổ chức bộ máy nhân sự và hoạt động tài chính.
Xây dựng cơ chế chính sách theo hướng phát huy nội lực, khuyến khích phát triển cá nhân và tăng cường hợp tác với bên ngoài.
Thể chế hóa hệ thống văn bản quản lý và ban hành một số quy chế, quy định mang tính đặc thù của đơn vị đảm bảo sự nhất quán theo tinh thần chỉ đạo của ngành.
Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, cán bộ đoàn thể, kế toán và văn thư.
2.2. Hoàn thiện bộ máy tổ chức:
Kiện toàn cơ cấu tổ chức, phân công bố trí lao động hợp lý, phát huy hiệu quả phù hợp với yêu cầu giảng dạy và các mặt hoạt động.
Thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền chủ động cho Phó hiệu trưởng, các tổ chuyên môn và các trưởng đoàn thể trong trường.
Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn cho các giáo viên đảm trách vai trò chủ chốt trong bộ máy tổ chức nhà trường.
Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, tổ chuyên môn, cán bộ đoàn thể.
2.3. Bồi dưỡng chất lượng đội ngũ:
Quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, giáo viên theo hướng sử dụng tốt đội ngũ hiện có, đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Định kỳ đánh giá chất lượng hoạt động của giáo viên thông qua các tiêu chí về hiệu quả, đóng góp cụ thể của cán bộ, giáo viên, nhân viên đối với sự phát triển của nhà trường. Trên cơ sở đó sẽ đề bạt, khen thưởng xứng đáng đối với những cán bộ, giáo viên và nhân viên có thành tích xuất sắc.
Đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nòng cốt, trẻ, trách nhiệm, năng lực… bố trí vào các vị trí chủ chốt của nhà trường.
Tạo môi trường làm việc năng động, thi đua lành mạnh, đề cao tinh thần hợp tác và chia sẻ với những điều kiện làm việc tốt nhất để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đều tự hào muốn cống hiến với gắn kết nhà trường.
Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn.
2.4. Nâng cao chất lượng giáo dục:
Điều tra khảo sát và dự báo số lượng, chất lượng học sinh đầu vào để xác định các phương pháp dạy - học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Định kỳ rà soát, đổi mới, kiểm định chất lượng giáo dục, nội dung và phương pháp giảng dạy theo xu hướng linh hoạt, hiện đại phù hợp đối tượng học sinh và yêu cầu đổi mới giáo dục.
Thực hiện tốt việc tự đánh giá chất lượng giáo dục THCS.
Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, các tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán.
2.5. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất:
Quy hoạch và đề nghị UBND quận và các phòng ban chức năng có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho đơn vị theo hướng đạt chuẩn quốc gia giai đoạn năm 2015 - 2018.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của nhà trường. Các thông tin quản lý giữa các tổ chuyên môn, các bộ phận trong nhà trường qua hộp thư điện tử tiếp theo là hệ thống nối mạng nội bộ và hướng tới website của nhà trường.
Tranh thủ các dự án và sự tham mưu hỗ trợ của các cấp lãnh đạo và hội CMHS, các nguồn lực bên ngoài xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy và học, cũng như các hoạt động khác của nhà trường.
Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, Ban cơ sở vật chất, Tổ công tác công nghệ thông tin.
2.6. Lập dự toán kế hoạch – tài chính:
Xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm của từng tổ chuyên môn và Nhà trường.
Xây dựng cơ chế tài chính theo hướng tự chủ hoạch toán, minh bạch các nguồn thu và chi.
Tham mưu với hội cha mẹ học sinh để tăng cường hỗ trợ đóng góp của các bậc cha mẹ học sinh.
Tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức cá nhân.
Phụ trách thực hiện Hiệu trưởng, đội ngũ cán bộ chủ chốt, kế toán, trưởng ban đại diện CMHS.
2.7. Chương trình truyền thông phát triển và quảng bá thương hiệu:
Đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả website của trường.
Cung cấp các thông tin về hoạt động giáo dục của trường qua các hội thảo, diễn đàn trao đổi, sách, báo, các tạp chí…
Khuyến khích giáo viên tham gia vào các sự kiện, các hoạt động tại địa phương, của ngành và cộng đồng.
Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng và tổ công tác công nghệ thông tin.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Ban giám hiệu:
Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt lộ trình cụ thể thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển tổng thể cho toàn trường.
Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án có liên quan đến nhà trường.
Tổ chức đánh giá thực hiện việc kế hoạch hành động hàng năm của đơn vị và thực hiện kế hoạch chiến lược toàn trường theo từng giai đoạn phát triển.
2. Trách nhiệm của các tổ chuyên môn và các bộ phận nhà trường:
Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể ( từng năm) trong đó mỗi hoạt động cần nêu rõ mục tiêu cần đạt, kết quả, hiệu quả, tác động, thời gian thực hiện, các nguồn lực thực hiện, người chịu trách nhiệm.
Tổ chức và phân công thực hiện hợp lý cho các bộ phận, cá nhân phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn và nguồn lực.
Chủ động xây dựng các đề án phát triển của tổ chuyên môn, các tổ chức trong nhà trường.
3. Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên:
Không ngừng học tập rèn luyện để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phấn đấu trở thành các giáo viên, nhân viên giỏi; xứng đáng là tấm gương sáng về đạo đức, sáng tạo và tự học cho học sinh noi theo.
Tích cực tham gia, đóng góp vào sự phát triển của nhà trường dựa vào khả năng của mỗi cá nhân với phương châm “ Nỗ lực của cá nhân là thành công của tập thể” và khẩu hiệu hành động “ Kiên trì – Vượt khó – Sáng tạo - Vươn lên”.
4. Trách nhiệm của học sinh:
Ra sức rèn luyện đạo đức và năng lực học tập theo phương châm “ Chăm ngoan, học tốt” và khẩu hiệu hành động “ Kiên trì – Vượt khó – Sáng tạo - Vươn lên” để phấn đấu trở thành những người công dân tốt.
Tích cực tham gia các hoạt động để sau khi tốt nghiệp THCS có kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu xã hội, tiếp tục học trung học hoặc học nghề.
5. Trách nhiệm của cha mẹ học sinh và Ban đại diện CMHS:
Phối hợp với nhà trường giáo dục và bồi dưỡng cho học sinh các giá trị cốt lõi trong hệ thống giá trị của kế hoạch chiến lược.
Hỗ trợ tinh thần, vật chất… giúp nhà trường hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển của từng giai đoạn của kế hoạch chiến lược.
VI. ĐỀ XUẤT – KIẾN NGHỊ
1.Đối với phòng Giáo dục và Đào tạo.
Đề nghị lãnh đạo PGD&ĐT phê duyệt kế hoạch chiến lược của đơn vị và tư vấn cho trường trong các hoạt động triển khai và thực hiện kế hoạch đúng thời gian, tiến độ.
Tham mưu, đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Quận ủy - HĐND - UBND và các phòng ban chức năng quận Thanh Xuân, Đảng ủy – HĐND - UBND – MTTQ phường Hạ Đình hỗ trợ về cơ chế chính sách, tài chính và nhân lực để trường THCS Hạ Đình thực hiện mục tiêu đạt chuẩn quốc gia vào giai đoạn 2015 - 2018 như kế hoạch chiến lược đã đề ra.
2. Đối với quận Thanh Xuân
Đề nghị Quận ủy - HĐND - UBND và các phòng ban chức năng quận Thanh Xuân hỗ trợ cơ chế chính sách, tài chính, nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giúp cho trường THCS Hạ Đình đạt chuẩn quốc gia vào giai đoạn 2015 – 2018 như kế hoạch chiến lược của trường đã đề ra.
3. Đối với phường Hạ Đình
Đề nghị Đảng ủy – HĐND - UBND – MTTQ – các tổ chức chính trị xã hội phường Hạ Đình tham mưu, đề xuất với lãnh đạo quận Thanh Xuân hỗ trợ cơ chế chính sách, tài chính đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giúp cho trường THCS Hạ Đình đạt chuẩn quốc gia vào giai đoạn từ 2015 - 2018.
Trên đây là toàn bộ Kế hoạch chiến lược phát triển trường THCS Hạ Đình giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đơn vị sẽ xây dựng lộ trình và cụ thể hoàn thành chương trình hành động và sát hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của ngành nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009 – 2020.
HIỆU TRƯỞNG
( Đã ký)
Nguyễn Thị Phương Anh